Sau Huawei, SMIC - Hãng sản xuất chip bán dẫn lớn nhất Trung Quốc là cái tên tiếp theo đối mặt với các giới hạn thương mại của Mỹ.

Theo báo cáo vừa qua của Financial Times, Bộ Thương mại Mỹ cho biết các công ty Mỹ trong ngành công nghiệp chip sẽ bị hạn chế xuất khẩu cho SMIC. Nếu muốn kinh doanh với hãng chip này thì các công ty sẽ cần phải có giấy phép từ chính phủ.
Lý do được đưa ra cho quyết định này là bởi vì chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lo ngại rằng công ty này đang gây ra "các rủi ro không thể chấp nhận được" về khả năng sử dụng sản phẩm của họ trong các mục đích quân sự, khi có thể mang lại các tiến bộ công nghệ cho quân đội Trung Quốc.
Trả lời Reuters, đại diện SMIC nói rằng chưa nhận được bất cứ văn bản chính thức nào về lệnh hạn chế xuất khẩu và khẳng định không có quan hệ với quân đội Trung Quốc.
“SMIC sản xuất chip bán dẫn và cung cấp dịch vụ dành cho người dùng thương mại cuối dân sự và các tổ chức thương mại tiêu dùng. Công ty không có quan hệ với quân đội Trung Quốc, không sản xuất phần cứng cho tổ chức quân đội nào”, phát ngôn viên của hãng chip lớn nhất Trung Quốc cho biết thêm.

SMIC là công ty bán dẫn hàng đầu Trung Quốc hiện nay, chỉ đứng sau TSMC của Đài Loan, đồng thời sở hữu một trong những xưởng đúc hiếm hoi tại Trung Quốc có thể sản xuất vi xử lý trên quy trình 14 nm. Mỹ là quốc gia có nhiều nhà cung cấp nhất cho SMIC, chiếm một phần ba trong tổng số 30 hãng cung ứng cho nhà sản xuất chip Trung Quốc. Công ty này vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề từ các biện pháp trừng phạt nhắm vào Huawei, nay có thể bị tụt lại phía sau bởi các đối thủ của nó có khả năng tiếp cận nhiều loại thiết bị hiện đại hơn.
Lệnh cấm mới có thể làm gia tăng căng thẳng giữa 2 nước. Tương lai của ngành công nghệ Trung Quốc nói chung và SMIC nói riêng sẽ đi về đâu sau cú giáng tiếp theo này của Mỹ? Và liệu rằng chính quyền của ông Tập Cận Bình có biện pháp nào để đối phó không? Còn phải chờ xem!